Kiểm toán là gì? Tìm hiểu Công việc của kiểm toán

Ngày đăng:
Viết bài:
Chuyên mục:

Đi cùng sự phát triển của quy mô nền kinh tế và các ngành nghề, dịch vụ kinh doanh đa dạng trong xã hội, vai trò của những người làm kiểm toán càng được nâng cao. 

Đây chính là một bộ phận quan trọng, góp sức vào sự trong sạch, vững mạnh của nền tài chính quốc gia cũng như chất lượng quản lý. Vậy kiểm toán là gì? Ngay sau đây hãy cùng việc làm VCCorp tìm hiểu thêm

Kiểm toán là gì?

Kiểm toán là gì?

Kế toán - Kiểm toán thường là hai công việc rất hay được đặt bên cạnh nhau. Và đúng vậy, để có thể hiểu được về công việc Kiểm toán, trước hết chúng ta cần biết rõ hơn về Kế toán. Có phải trong suy nghĩ của bạn, Kế toán chỉ đơn thuần là “tính toán, giữ sổ sách”. 

Kế toán có rất nhiều công việc, nhưng một trong số đó là cung cấp những thông tin, số liệu tài chính của một tổ chức, doanh nghiệp nào đó. Và toàn bộ những dữ liệu này sẽ được thể hiện qua Báo cáo tài chính.

Vậy làm sao có thể chứng minh được những báo cáo tài chính này có độ chính xác, trung thực cao, và phản ánh đúng bức tranh toàn cảnh về tài chính của doanh nghiệp đó. Đây chính là công việc của Kiểm toán: thu thập và đánh giá những báo cáo được đưa ra bởi bộ phận kế toán.

Những người làm công việc kiểm toán này sẽ được gọi là kiểm toán viên. Công việc của họ có ảnh hưởng lớn đến rất nhiều đối tượng. Đó có thể là chủ của những công ty, doanh nghiệp được kiểm toán (hay những khách hàng kiểm toán). Đó cũng là căn cứ để những ai muốn đầu tư vào doanh nghiệp đó có một căn cứ để đưa ra các quyết định. Ngoài ra, đây còn là cơ sở pháp lý quan trọng để các cơ quan nhà nước có thể làm rõ trách nhiệm và nghĩa vụ của những công ty đó. 

Khách hàng kiểm toán là gì?

Khách hàng kiểm toán hay còn gọi là những đơn vị được kiểm toán. Đây là những tổ chức, doanh nghiệp được thực hiện kiểm toán theo các hợp đồng kiểm toán. Bên thực hiện kiểm toán chính là các doanh nghiệp, công ty kiểm toán trong nước hoặc các doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài có trụ sở tại Việt Nam.

Khách hàng kiểm toán là gì?

Pháp luật nước ta hiện nay đã có Luật Kiểm toán độc lập, trong đó tại Điều 37 coác định những trường hợp bắt buộc phải thực hiện việc kiểm toán. Hoặc như Nghị định số 17/2012/NĐ-CP ngày 13/02/2012 đã chỉ ra rõ: 

1. Doanh nghiệp, tổ chức mà pháp luật quy định báo cáo tài chính hàng năm phải được doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam kiểm toán, bao gồm:

a) Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (Doanh nghiệp FDI) 

b) Tổ chức tín dụng được thành lập và hoạt động theo Luật các tổ chức tín dụng;

c) Tổ chức tài chính, doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm.

d) Công ty đại chúng, tổ chức phát hành và tổ chức kinh doanh chứng khoán.

2. Doanh nghiệp, tổ chức phải được doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam kiểm toán, bao gồm:

a) Doanh nghiệp nhà nước, trừ doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong lĩnh vực thuộc bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật phải được kiểm toán đối với báo cáo tài chính hàng năm;

b) Doanh nghiệp, tổ chức thực hiện dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A sử dụng vốn nhà nước, trừ các dự án trong lĩnh vực thuộc bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật phải được kiểm toán đối với báo cáo quyết toán dự án hoàn thành;

c) Doanh nghiệp, tổ chức có vốn góp của Nhà nước và dự án sử dụng vốn nhà nước khác do Chính phủ quy định phải được kiểm toán đối với báo cáo tài chính hàng năm hoặc báo cáo quyết toán dự án hoàn thành;

d) Doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam phải được kiểm toán đối với báo cáo tài chính hàng năm.

3. Việc kiểm toán báo cáo tài chính và báo cáo quyết toán dự án hoàn thành đối với doanh nghiệp, tổ chức quy định tại các điểm a, b và c khoản 2 Điều này không thay thế cho việc kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước.

4. Doanh nghiệp, tổ chức khác tự nguyện được kiểm toán.

Vậy là căn cứ theo các văn bản pháp luật hiện hành, chúng ta cũng có thể nắm rõ đâu là khách hàng kiểm toán, đâu là đơn vị kiểm toán và trong những trường hợp nào thì phải bắt buộc kiểm toán. 

Ngành kiểm toán là gì?

Như ở trên đã đề cập, nhân sự thực hiện công việc kiểm toán được gọi là các kiểm toán viên. Đây là những người được đào tạo bài bản ngành Kế toán - Kiểm toán trong các trường đại học, đơn vị đào tạo trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, để có thể đáp ứng được công việc, họ cũng cần trải qua các bài thi lấy chứng chỉ kiểm toán quốc tế. 

Ngành kiểm toán là gì?

Kiểm toán là một ngành học được gắn chặt với Kế toán, thường được gọi tắt là Kế - Kiểm. Hiện nay có một số trường đại học đã tuyển sinh riêng hai ngành học này với nhau, tuy nhiên vẫn còn một số trường đào tạo hai ngành này chung và sinh viên được lựa chọn chuyên ngành sau đó. Vì vậy có thể nói, Kiểm toán là một ngành gắn bó rất chặt chẽ tới Kế toán. 

Bởi vậy mà trong chương trình của ngành Kiểm toán (tiếng Anh là Auditing), thường có rất nhiều học phần liên quan với Kế toán như: Kế toán tài chính, Kế toán ngân hàng thương mại, Chuẩn mực kế toán quốc tế, Thuế và Kế toán thuế, Thống kê doanh nghiệp, Tài chính doanh nghiệp, Kiểm toán báo cáo tài chính, Phân tích tài chính, Tài chính tiền tệ…

Do đó, người học ngành Kiểm toán sẽ có các kỹ năng thu thập, xử lý, kiểm tra và cung cấp thông tin tài chính, và có thể thuần thục các kỹ năng chuyên môn của ngành Kế toán như: 

  • Tính toán chi phí
  • Làm dự toán
  • Phân bổ ngân sách
  • Quản lý doanh thu, dòng tiền

Thêm vào đó, những sinh viên ngành Kiểm toán cũng được đào tạo thêm các kỹ năng cần thiết khác như đọc và phân tích báo cáo tài chính, thương lượng, đàm phán…, hay các kỹ năng mềm như teamwork, ngoại ngữ, công nghệ thông tin, xử lý - giải quyết vấn đề nhanh chóng và chính xác. 

Học ngành kiểm toán ở đâu?

Học ngành kiểm toán ở đâu?

Tại Việt Nam hiện nay, các trường đào tạo nhóm ngành Kinh tế - Tài chính đều có ngành Kế toán - Kiểm toán. Tùy vào khả năng của người học cũng như điều kiện gia đình mà các bạn trẻ có thể lựa chọn nhiều cơ sở đào tạo, với nhiều hình thức học, chương trình học khác nhau. 

Tại khu vực miền Bắc, có một số cái tên tiêu biểu như: 

  • Học viện Tài chính
  • Học viện Ngân hàng 
  • Đại học Kinh tế quốc dân 
  • Đại học Ngoại thương Hà Nội 
  • Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội 
  • Đại học Thương mại 

Tại khu vực miền Nam, một số trường vốn nổi tiếng với việc đào tạo ngành Kế toán - Kiểm toán như: 

  • Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh 
  • Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh 
  • Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) 
  • Đại học Tài chính - Marketing (TP. Hồ Chí Minh) 

Đối với khu vực miền Trung, các trường đại học nổi bật có ngành Kiểm toán như: 

  • Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng 
  • Trường Đại học Kinh tế - Đại học Huế 
  • Đại học Quy Nhơn 
  • Đại học Kinh tế Nghệ An

Ngoài ra, để làm nghề cũng như để tăng thêm trình độ của bản thân, những ai muốn theo đuổi nghề Kiểm toán có thể cần học và thi lấy một số chứng chỉ Kiểm toán quốc tế như: CFA, CPA, CMA, CIA, ACCA, VN CPA…

Kiểm toán bao gồm những loại nào?

Công việc kiểm toán nhìn chung rất phức tạp, đòi hỏi sự chính xác cao, do đó sẽ có nhiều chủ thể thực hiện. Căn cứ vào quyền và nghĩa vụ của chủ thể thực hiện kiểm toán cũng như đối tượng được kiểm toán mà người ta phân chia thành nhiều loại kiểm toán khác nhau. Các loại kiểm toán đó bao gồm: Kiểm toán nhà nước, Kiểm toán độc lập và Kiểm toán nội bộ. 

Sau đây hãy cũng đi tìm hiểu chi tiết về ba loại Kiểm toán này: 

Kiểm toán nhà nước

Kiểm toán nhà nước

Kiểm toán nhà nước hay còn gọi là Kiểm toán công. Đây là loại kiểm toán do cơ quan kiểm toán nhà nước tiến hành. 

Nhiệm vụ của loại kiểm toán này nhằm kiểm tra, đánh giá, kết luận để xác nhận sự đầy đủ, hợp lý, hợp pháp của các số liệu, tài liệu kế toán cũng như các báo cáo tài chính có liên quan đến thu, chi ngân sách nhà nước của các cơ quan, doanh nghiệp.

Chủ thể thực hiện kiểm toán là cơ quan kiểm toán nhà nước và không thu phí. Đối tượng được kiểm toán thường là những công ty, doanh nghiệp nhà nước. 

Kiểm toán độc lập

Kiểm toán độc lập

Kiểm toán độc lập là loại kiểm toán được thực hiện bởi các nhân viên, kiểm toán viên của các công ty chuyên cung cấp các dịch vụ kiểm toán. Một vài cái tên lớn trong thực hiện kiểm toán độc lập như: Deloitte, KPMG, PwC, Ernst & Young, AASC…

Nhiệm vụ chính của các công ty kiểm toán độc lập là xem xét, rà soát các báo cáo tài chính. Ngoài ra, họ cũng có thể cung cấp thêm các dịch vụ tài chính khác theo yêu cầu của khách hàng. Thường các bên thứ ba hoặc các nhà đầu tư có xu hướng tin tưởng vào các công ty kiểm toán độc lập này.  

Kiểm toán nội bộ

Kiểm toán nội bộ

Đúng như tên gọi, kiểm toán nội bộ là khi những kiểm toán viên, cũng chính là các nhân viên trong chính công ty đó thực hiện quá trình kiểm toán trong chính doanh nghiệp của mình. Đây thường là yêu cầu của Ban điều hành, Hội đồng quản trị hoặc Ban Giám đốc của doanh nghiệp nhằm giám sát, kiểm tra quá trình làm việc của các Kế toán công ty. 

Tuy nhiên, loại hình kiểm toán này thường ít nhận được sự tin cậy từ những đối tượng bên ngoài công ty do họ thực hiện công việc kiểm toán với sự chỉ đạo từ các cấp trên. 

Công việc của kiểm toán là gì?

Lập kế hoạch kiểm toán

Lập kế hoạch kiểm toán

Để có thể thực hiện công việc Kiểm toán một cách thuận lợi, lập kế hoạch là bước đầu tiên. Đây cũng là bước rất quan trọng để có thể định hướng cho toàn bộ các hoạt động sau này. 

Nếu bước lập kế hoạch này tốt, những công việc sau đó sẽ được diễn ra một cách suôn sẻ và dễ dàng nếu có xảy ra các tình huống phát sinh. 

Xây dựng chương trình kiểm toán

Đây là bước không thể thiếu với bất cứ một kiểm toán viên nào, bởi bước này giúp cho sự chặt chẽ và chính xác trong quá trình thực hiện công việc được đẩy lên cao hơn. 

Để xây dựng một chương trình kiểm toán hoàn chỉnh, người kiểm toán viên cần xác định được số lượng và thứ tự các công việc cần làm từ khi bắt đầu cho đến khi kết thúc công việc kiểm toán. 

Thu thập thông tin bằng các phương pháp kiểm toán

Thu thập thông tin bằng các phương pháp kiểm toán

Ở bước này, kiểm toán viên áp dụng các phương pháp kiểm toán khác nhau để thu thập thông tin, ví dụ như: 

  • Kiểm toán cân đối: Phương pháp kiểm toán dựa trên các phương trình kế toán để kiểm toán.
  • Đối chiếu trực tiếp: Đối chiếu một chỉ tiêu dựa trên những nguồn tài liệu khác nhau.
  • Đối chiếu logic: Nghiên cứu các mối quan hệ giữa các chỉ tiêu có quan hệ với nhau.
  • Điều tra: Dùng các cách khác nhau để tiếp cận và đánh giá các đối tượng được kiểm toán.
  • Trắc nghiệm: Tái diễn các hoạt động nghiệp vụ để xác minh lại kết quả của một quá trình, một sự việc đã xảy ra.

Ghi chép

Để tránh nhầm lẫn, sai sót cũng như là nguồn tài liệu cho các báo cáo về sau, kiểm toán viên đều phải cẩn thận ghi chép lại mọi thông tin thu thập được. 

Những phát hiện, đánh giá hay những dữ liệu, con số đều phải được lưu giữ lại một cách cẩn thận. Đây chính là những bằng chứng, căn cứ chủ chốt để có thể đưa đến một kết luận kiểm toán khách quan. 

Kết luận, báo cáo

Đây chính là bước cuối cùng của cả quy trình kiểm toán. Những báo cáo, kết luận cần được trình bày rõ ràng trong các biên bản hoặc báo cáo kiểm toán. Để có được kết luận kiểm toán minh bạch, chính xác, kiểm toán viên cần lưu ý: 

  • Xét đến các khoản nợ ngoài dự kiến, 
  • Xem xét các sự việc xảy ra sau khi kết thúc sự việc khác
  • Đánh giá tính liên tục trong hoạt động của công ty, doanh nghiệp
  • Tập hợp thư giải trình từ Ban Lãnh đạo hoặc Hội đồng quản trị. 

Sau khi đưa ra kết luận, kế toán viên cần tổng kết các kết quả đã nghiệm thu được. Cuối cùng, cần lập báo cáo kiểm toán nhằm đưa ra kết luận sau cùng về báo cáo tài chính của một doanh nghiệp, tổ chức được kiểm toán. 

Kiểm toán lương bao nhiêu?

Kiểm toán lương bao nhiêu?

Nếu bạn đủ tài năng và bản lĩnh, bạn có thể nộp đơn ứng tuyển vào một trong bốn công ty kiểm toán lớn nhất thế giới là: Ernst & Young, KPMG, PwC và Deloitte. Những người trong ngành thường gọi đây là “Big4 ngành kiểm toán” và là khát khao của rất nhiều sinh viên kế - kiểm. 

Quy trình ứng tuyển vào những tập đoàn này cũng không hề dễ dàng khi ứng viên thường phải trải qua bốn, năm vòng khác nhau, từ vòng hồ sơ, kiểm tra, phỏng vấn nhóm, phỏng vấn kín. 

Tuy nhiên, mức lương của những trợ lý kiểm toán (vị trí thấp nhất dành cho các sinh viên mới ra trường tại Big4) có thể lên tới ngàn đô. Đây là một mức lương vô cùng hấp dẫn và lý tưởng. 

Ngoài ra, thu nhập trung bình của các sinh viên ngành Kiểm toán mới ra trường có thể rơi vào tầm 400-700USD/ tháng, tùy theo trình độ của ứng viên cũng như quy mô công ty và khối lượng công việc. 

Kết luận 

Trên đây là khái niệm Kiểm toán là gì, ngành Kiểm toán cũng như những công việc của một Kiểm toán viên, các công việc cụ thể của một kiểm toán viên. 

Kiểm toán là công việc luôn cần thiết và quan trọng đối với bất kỳ doanh nghiệp, tổ chức nào. Do đó, triển vọng khi theo đuổi nghề Kiểm toán rất rộng mở và thị trường luôn có nhu cầu lớn với những người kiểm toán viên giỏi, nghiêm túc và tâm huyết với nghề. 

Đừng quên rằng hiện VCCorp đang tìm kiếm một số vị trí với mức lương và chính sách đãi ngộ hấp dẫn, nếu quan tâm bạn có thể tham khảo ngay tại đây.

Trả lời Huỷ

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết liên quan