Cùng với CV, resume là một tài liệu cần thiết khi bạn muốn ứng tuyển để tìm việc hoặc xin học bổng. Vậy bạn đã hiểu hết về Resume là gì cũng như các bí quyết để có được một bản resume hoàn chỉnh, ấn tượng nhất? Bài viết sau sẽ giúp bạn trả lời những băn khoăn đó!
“Resume”, hay tên gọi chính xác hơn là résumé, đọc là /rez–oo-mey/. Đây là một từ có nguồn gốc từ tiếng Pháp, “summary” (tóm tắt) có thể coi là một dạng chuyển nghĩa của từ này qua tiếng Anh.
Theo từ điển Cambridge định nghĩa, resume là một bản mô tả ngắn gọn bằng văn bản về trình độ học vấn, trình độ chuyên môn, công việc trước đây và đôi khi cả sở thích cá nhân mà bạn gửi cho nhà tuyển dụng hoặc các trường học trong quá trình nộp đơn tìm việc hoặc tìm kiếm học bổng.
Khác với CV hay Curriculum vitae, resume có đặc điểm nổi bật chính là nhờ sự ngắn gọn về dung lượng, hàm súc trong câu từ và tập trung vào kinh nghiệm làm việc.
>>> Xem thêm: Cover Letter là gì? Kinh nghiệm viết Cover Letter chi tiết nhất cho ứng viên 2022
Nhìn chung, cả CV hay resume đều là những cách thể hiện khác nhau của bản sơ yếu lý lịch. Bởi chúng đều là những văn bản liệt kê và tổng hợp thông tin cá nhân, thành tích học tập, ngoại khóa hay công việc trước kia cũng như các thông tin khác của ứng viên.
Trước khi bước vào các vòng tiếp theo, có thể là một bài thi kiểm tra trình độ hoặc vòng phỏng vấn online/trực tiếp, thì CV hay resume chính là cơ sở đầu tiên để nhà tuyển dụng hoặc hội đồng xét duyệt học bổng có được những hình dung cơ bản nhất về ứng viên.
Đó chính là điểm chung duy nhất mà chúng ta thấy giữa CV và resume. Vậy còn điểm khác biệt giữa CV và resume là gì, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu sau đây:
CV, hay tên đầy đủ là "Curriculum Vitae". Nếu như “resume” là từ có nguồn gốc từ tiếng Pháp thì “Curriculum Vitae” lại xuất phát từ tiếng La-tinh. Từ này có thể dịch qua tiếng Anh là "course of life" (đường đời).
Vậy, resume tiếng anh là gì? resume còn có nghĩa trong tiếng Anh là "summary" (tóm tắt).
Chính từ tên gọi đã phần nào quyết định những yếu tố sau đó của hai loại văn bản này. Một bên sẽ như một bản tường thuật về hành trình cuộc đời, bao gồm cả những thành tích, bước ngoặt từ lớn đến bé, còn một bên sẽ chỉ như lời tóm tắt ngắn gọn điểm sơ lược những điều bạn thấy có dấu ấn nhất.
Độ dài quy định chính là thứ đã tạo ra sự khác biệt trong nội dung thể hiện của CV và resume .
Một hoặc hai trang giấy A4 chính là độ dài lý tưởng và chuẩn chỉnh nhất mà một bản resume nên có. Người viết cần chủ động, linh hoạt và có khả năng tổng hợp, chọn lọc những gì súc tích nhất để lượng thông tin thể hiện trong resume tuy ngắn gọn nhưng vẫn có thể để lại ấn tượng cho người xem.
Resume không phải bản kể lể chi tiết tất cả mọi thứ đã xảy ra trong quá trình bạn học tập và làm việc. Bạn nên sàng lọc một cách cẩn thận và khôn ngoan những thành tựu nổi bật nhất, và đặc biệt hơn, có liên quan đến công việc/ học bổng mà mình đang nhắm đến.
Trong khi đó, thì 2-4, thậm chí đến 8 trang A4 là độ dài dành cho một CV. Cũng bởi lượng thông tin cần tích hợp trong đó nhiều hơn hẳn cho với resume. Độ dài này sẽ còn tùy thuộc vào kinh nghiệm cả về học vấn, ngoại khóa và làm việc của ứng viên. Đối với những bạn sinh viên vừa mới tốt nghiệp và bắt đầu lao vào thị trường việc làm, từ 2-3 trang A4 là độ dài thích hợp. Còn đối với những người đã có kinh nghiệm lâu năm trong nghề, những nhà quản lý chuyên nghiệp hoặc những nhà khoa học có học vấn cao, dày dặn thành tích từ 8-10 trang CV cũng không phải điều gì quá ngạc nhiên.
Cũng bởi vậy mà nhìn vào số lượng trang giấy chính là mà cách đơn giản nhất, gần gũi nhất cũng như giúp ra nhìn ra nhanh nhất tài liệu mà chúng ta đang đọc là CV hay resume.
Nếu như mọi người thường sử dụng resume cho các mục đích như tìm kiếm việc làm, thì CV lại thường được ưa chuộng đến các mục đích liên đến học vấn.
Một số ứng dụng cần đến CV như tìm kiếm học bổng các cấp học hoặc trong các công việc liên quan đến học thuật như giảng viên, nghiên cứu sinh hay nhà khoa học trong các trường đại học, viện nghiên cứu.
Cũng bởi những mục đích đó nên người đánh giá resume thường là những quản lý tuyển dụng cấp cao, những nhân sự của các công ty. Trong đó, người đánh giá những CV lại là những ban tuyển sinh của các cơ sở đào tạo giáo dục. Bởi vì những người này họ cần đánh giá nhân sự trong một quá trình dài và xuyên suốt để hiểu thấu ứng viên, đặc biệt trong những quyết định quan trọng như trao học bổng có giá trị cho người đó. Vậy nên họ rất cần những nhận xét, đánh giá sâu sắc trên nhiều góc độ để lựa chọn được người phù hợp nhất trên mọi tiêu chí.
Trong khi đó, resume thường được dùng để nộp hồ sơ tìm kiếm việc làm. Bởi vậy mà những thông tin trong resume nên được viết một cách ngắn gọn, chủ yếu liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến vị trí và doanh nghiệp mà bạn đang muốn nộp đơn.
Tùy vào từng yêu cầu về vị trí, mô tả công việc (thường được gọi là JD hay Job Description) mà người ứng tuyển sẽ cần tự điều chỉnh các mục trong resume của mình cho phù hợp nhất, tiệm cận nhất với yêu cầu từ đơn vị tuyển dụng.
Từ tên gọi “đường đời” của CV mà chúng ta có thể đoán biết dễ dàng rằng cách trình bày của nó sẽ theo thứ tự thời gian, những gì xảy ra trước sẽ được ưu tiên đẩy lên đầu tiên.
Thường chúng ta sẽ đi từ những ngày tháng học đường cho tới những hoạt động ngoại khóa rồi mới đến công việc chuyên môn. Thứ tự trình bày dễ bắt gặp nhất của một CV thường sẽ như sau: thông tin cá nhân, trình độ học vấn (trường, lớp, thành tích, xếp hạng trong các kỳ thi), kinh nghiệm làm việc (nghiên cứu hoặc trong các doanh nghiệp), các học bổng hoặc/và giải thưởng đã có, các hoạt động ngoại khóa (thành viên CLB/hội/nhóm/tổ chức nào), các hoạt động cộng đồng, tài năng đặc biệt (ví dụ âm nhạc, thể thao,...), thông tin người tham chiếu hoặc người viết thư giới thiệu (References).
Bởi bản chất của CV là theo thứ tự liệt kê và không bị giới hạn về số lượng trang giấy, cùng với yêu cầu đầy đủ, chi tiết thì càng tốt, do đó bố cục của CV thường không cần thiết phải có sự sáng tạo. Một số CV thường mang tính học thuật, chuyên môn sâu, bởi vậy đôi khi sự chỉn chu, đúng mực, đôi khi phải thật “formal” chính là ưu tiên hàng đầu về mặt hình thức.
Ngược lại với CV, bố cục resume lại hoàn toàn có thể chỉnh sửa dựa trên mục đích và yêu cầu của yêu cầu tuyển dụng và miêu tả công việc (JD).
Theo thường lệ, mọi người sẽ đưa phần kinh nghiệm làm việc hay kỹ năng, chứng chỉ hành nghề lên trên đầu, còn trình độ học vấn được xếp ở sau. Bởi những nhà tuyển dụng ngày này rất thực dụng, điều họ cần chính là một người có năng lực và kỹ năng làm được việc hơn là những thành tích trên giấy tờ.
Thậm chí nếu bạn có đủ sức sáng tạo, hoặc công việc bạn đang nhắm tới yêu cầu năng lượng, sự linh hoạt, ví dụ như những công việc trong ngành truyền thông, thì một bản resume với bố cục độc đáo sẽ là dấu cộng to đùng cho hồ sơ của bạn đó!
Trên lý thuyết, ta có thể thấy rõ mục đích khác nhau của CV và resume, tuy nhiên nhiều nơi trên thế giới cũng như tùy từng môi trường mà CV vẫn có thể được dùng để ứng tuyển việc làm và resume cũng có thể dùng được khi xin học bổng.
Theo thông lệ thì CV thường được dùng để ứng tuyển học bổng và tìm việc làm tại Vương quốc Anh, Ireland và New Zealand.
Còn resume thường được sử dụng để nộp hồ sơ tìm việc tại các quốc gia Bắc Mỹ (Hoa Kỳ và Canada). Sự ngắn gọn, rõ ràng và đúng trọng tâm của resume được cho là rất phù hợp với phong cách làm việc của người Mỹ cũng như Canada. Tuy nhiên khi nộp học bổng hoặc tìm việc tại nước ngoài, thì họ vẫn sử dụng CV như yêu cầu tùy theo trường học, doanh nghiệp của đất nước đó.
Các quốc gia dễ tính hơn, chấp nhận CV và resume trong cả hai mục đích trên có thể kể đến Ấn Độ, Nam Phi hay Australia.
Còn tại châu Âu thì sao? Nhằm tăng cường tính minh bạch, thống nhất về trình độ cũng như kỹ năng của các ứng viên (cả học bổng và tìm việc), Liên minh châu Âu EU đã có một sáng kiến rất hay, đó chính là Europass. Đây chính là mẫu CV tiêu chuẩn theo phong cách châu u và được khuyên dùng và là quy chuẩn cho rất nhiều trường đại học, viện nghiên cứu cũng như các doanh nghiệp lớn lẫn nhỏ tại 17 quốc gia thuộc khối EU.
>>> Xem thêm: Ứng tuyển là gì? 4 lưu ý quan trọng trong phỏng vấn ứng tuyển
Đúng như tên gọi, resume về cơ bản là một bản tóm tắt, không hơn không kém!
Vì vậy, hãy cố gắng giản lược các thông tin sao cho bản resume cuối cùng mà bạn gửi đến nhà tuyển dụng sẽ có độ dài không vượt quá một trang giấy.
Hãy thử đặt mình vào vị trí của nhà tuyển dụng, đặc biệt là những doanh nghiệp to và có uy tín, khi mỗi ngày họ phải tiếp xúc với hàng trăm, thậm chí hàng ngàn email ứng tuyển. Theo nhiều tính toán, khoảng thời gian lâu nhất mà phía tuyển dụng sẽ lướt qua một CV hay resume là 15 giây, trong khi khoảng thời gian trung bình chỉ từ 3 đến 5 giây. Vậy nếu như bạn gửi một bản resume lê thê dài dòng, viết lan man trường giang đại hải, thì bạn đã biết trước số phận của email ứng tuyển đó rồi!
Nếu như mẫu CV ứng tuyển việc làm thông thường đã ngắn (chỉ khoảng 2-3 trang giấy A4), thì resume thậm chí phải được viết ngắn gọn hơn nhiều. Lời khuyên ở đây chính là càng cô đọng càng tốt, và hãy nhớ kỹ nguyên tắc vàng “không được quá 1 trang giấy A4”.
Viết dài thì thường đã khó, nhưng chắc chắn để chắt lọc thông tin hiệu quả nhất khi viết ngắn còn khó hơn rất nhiều. Sự giới hạn của resume còn cho nhà tuyển dụng biết được bạn có phải ứng viên biết ưu tiên, sàng lọc thông tin một cách cẩn thận, kỹ càng hay không. Bởi mỗi con chữ, con số bạn viết vào resume, hãy đảm bảo rằng chúng tuy ít nhưng phải thật sự chất lượng và gây được ấn tượng với đơn vị tuyển dụng.
Người giới thiệu, người tham chiếu hay reference được coi là điểm nhấn khiến cho resume khác biệt so với CV. Đây cũng là yếu tố này góp phần nâng cao độ tính chính xác, sự đáng tin, và độ xác thực cho resume của bạn đối với phía nhà tuyển dụng.
Hãy nghĩ xem, nếu như bạn may mắn có được lời giới thiệu hay những lời khen có cánh trong thư giới thiệu từ một người lãnh đạo, nhà quản lý có uy tín, một chuyên gia đầu ngành hay một CEO cấp cao, hồ sơ tìm việc của bạn sẽ được nâng tầm lên đáng kể.
Điều này cũng giúp cho doanh nghiệp có thêm một cơ sở tham khảo, một nguồn tin “người thật việc thật” để quyết định có lựa chọn bạn vào vòng tiếp theo hay không.
Do đó, đừng quên đầu tư một cách chỉn chu, cũng như biết cách cư xử đúng mực, chân thành với thầy cô hướng dẫn, vị sếp ở công ty cũ hay tạo dựng một networking chất lượng nhé!
Bởi độ dài giới hạn chỉ trong đúng một trang giấy A4 thôi, nên mọi từ ngữ, câu chữ hay con số trong bản resume của bạn cần được cân lên đặt xuống rất kỹ càng.
Để viết resume một cách hiệu quả, bạn hãy đọc kỹ bản Mô tả công việc/JD của vị trí bạn đang ứng tuyển. Bởi đó sẽ là nơi bạn tìm được những keywords/từ khóa chính mà công ty yêu cầu. Hãy liệt kê cả những kỹ năng mà bạn có. Điểm giao giữa hai vòng tròn: “kỹ năng có trong JD” và “kỹ năng mà bạn có” sẽ chính là những thứ mà bạn cần đưa vào resume của mình.
Trong trường hợp bạn là một người thật sự tài giỏi và sở hữu nhiều kỹ năng khác nhau, cũng đừng nên quá tham lam mà “nhồi nhét” tất cả vào resume, bởi đôi khi những dòng nêu kỹ năng thừa thãi, không liên quan đến công việc đang ứng tuyển sẽ làm khó chịu, gây mất điểm hơn trong mắt nhà tuyển dụng.
Ví dụ: Khi đi bạn nộp hồ sơ cho vị trí giao dịch viên ngân hàng, sẽ không ai quan tâm đến chuyện bạn có khả năng photoshop hay chỉnh sửa video, bởi đơn giản công việc của một giao dịch viên cần sự chính xác, rõ ràng và hầu như không cần thiết phải sử dụng đến bộ kỹ năng đòi hỏi sự sáng tạo này.
Nếu bạn muốn có cơ hội được lọt qua vòng hồ sơ và thẳng tiến vào các vòng tiếp theo, thì phần Kinh nghiệm làm việc chính là phần quan trọng nhất trong một bản resume.
Dù thời gian có gấp gáp hay vì bất cứ lý do khách quan, chủ quan nào khác, bạn cũng nhất định phải đầu tư trí lực, năng lượng một cách thật sự tâm huyết để viết được một phần Kinh nghiệm việc làm sao cho chỉn chu và đầy đủ nhất.
Resume đặc biệt nhấn mạnh đến những kinh nghiệm làm việc đã tích lũy được trong quá khứ. Nếu bạn đã đạt được một thành tựu nổi bật tại công ty cũ, hãy viết ngay chúng vào bản resume của mình để khẳng định cho nhà tuyển dụng thấy bạn hoàn toàn có khả năng đạt được thành tích đó trong tương lai, thậm chí bạn còn có quyết tâm và sự nỗ lực để vươn tới những thành tựu xuất sắc và nổi bật hơn.
Với những ứng viên đã có nhiều năm làm việc tại các doanh nghiệp hay công ty, đừng liệt kê một cách lan man, dài dòng mà hãy tìm cách để hệ thống chúng.
Còn đối với những bạn sinh viên mới ra trường, chưa có nhiều kinh nghiệm thực tế, các bạn có thể tập trung vào việc khai thác những kỹ năng bổ trợ mà bạn có được từ những hoạt động ngoại khóa hay trong quá trình làm bài tập nhóm đại học.
Đối với một số ngành nghề nhất định, ví dụ như ngành truyền thông, quảng cáo hay các ngành nghệ thuật, yếu tố sáng tạo luôn được đề cao, và những ứng viên thể hiện được tố chất này luôn được ưu tiên. Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với việc trong resume tìm việc bạn được tự do thay đổi, phá cách hay lạm dụng các thiết kế quá rườm rà để viết resume.
Hãy nhớ rằng ranh giới giữa sáng tạo và những trò lố chỉ cách nhau một khoảng rất mong manh. Để an toàn, dù có phối màu hay các hình ảnh trang trí thế nào, bạn vẫn nên thống nhất sử dụng một font chữ, màu chữ, ký hiệu hay khoảng cách giãn dòng cho bản resume của mình.
Đừng mạo hiểm phá cách với nhiều font, màu chữ khác nhau hoặc những cách giãn dòng, xếp chữ khó đọc, khó hiểu (trừ những công việc có yêu cầu đặc biệt được ghi sẵn trong JD).
Vì chắc chắn những điều đó sẽ khiến nhà tuyển dụng rối mắt và thẳng tay loại bỏ resume của bạn. Với một văn bản quan trọng như resume trong một việc quan trọng như tìm việc làm, những quy định đơn giản nhất về chính tả càng phải được ứng dụng một cách chuẩn mực, khắt khe để thể hiện sự chuyên nghiệp và sự tôn trọng của bạn đối với người đọc.
Mỗi nhà tuyển dụng đều tìm kiếm ba điều quan trọng nhất ở một resume của ứng viên:
Nếu trả lời được ba câu hỏi này trong một bản resume ngắn gọn chỉ chừng một trang A4 thì chứng tỏ bạn đã đi đúng hướng rồi đấy!
Lời giải dễ hiểu nhất để cho bất cứ một bản resume nào chính là: Diễn đạt rõ ràng,mạch lạc, dễ hiểu và đầy đủ thông tin.
Trong thực tế, các nhà tuyển dụng thấy rằng đa số các resume đều được nhồi nhét quá nhiều câu chữ dư thừa. Dù bản resume ngập tràn trong những câu chữ phức tạp để cố thể hiện sự chuyên nghiệp, nhưng các ứng viên đôi khi lại quên mất ba câu hỏi chính: Vai trò của bạn? Bạn đã làm gì? Bạn có thể làm được gì? - Đấy mới chính là điều mà các nhà tuyển dụng cần quan tâm và cũng là lý do để họ cân nhắc có nhận bạn hay không.
Kết luận
Ngắn gọn, hàm súc và cần cô đọng nhiều thông tin, vậy nên không dễ khi cho ra đời một bản resume đúng chuẩn và gây ấn tượng.
Dù chỉ có độ dài khoảng một trang A4 thôi nhưng cũng đòi hỏi nhiều kiến thức và kỹ năng để hoàn thành chúng. Hy vọng với bài viết trên, bạn đã hiểu được resume là gì, resume và CV có gì giống và khác nhau, cũng như những ứng dụng riêng của chúng. Hãy tự tin thể hiện những ưu điểm của bạn trong resume để luôn nổi bật ngay từ bước đầu nộp đơn cho Tuyển dụng Vccorp nhé!
Trả lời Huỷ